Khái niệm mạng máy tính

    4

    Khái niệm mạng máy tính

    Mạng máy tính là một hệ thống bao gồm ít nhất hai máy tính được kết nối với nhau để trao đổi thông tin và chia sẻ tài nguyên. 

    Mạng máy tính là một hệ thống (system) có nghĩa là:

    • nó bao gồm nhiều thành phần tương đối độc lập
    • mỗi thành phần đảm nhiệm những vai trò xác định
    • các thành phần có thể tương tác với nhau và phối hợp trong một nhiệm vụ chung

    Cụ thể, một mạng máy tính bao gồm các thiết bị đầu cuối, môi trường truyền dẫn, các thiết bị mạng, và các giao thức mạng.

    Thiết bị đầu cuối

    Các máy tính trong mạng máy tính có tên gọi khác tổng quát hơn là thiết bị đầu cuối (end device) hoặc host. Thiết bị đầu cuối là bất kỳ thiết bị tính toán nào có thể làm phát sinh dữ liệu người dùng (điểm đầu của dữ liệu) hoặc là đích đến của dữ liệu người dùng (điểm cuối của dữ liệu). Theo đó, thiết bị đầu cuối có thể là máy tính thông thường, nhưng cũng có thể là điện thoại thông minh, thậm chí là những thiết bị gia dụng thông minh (như điều hòa, máy giặt, bình nóng lạnh, công tắc, v.v.).

    Việc kết nối các thiết bị đầu cuối được thực hiện theo hai mức: kết nối vật lýkết nối logic. Kết nối vật lý cho phép tín hiệu có thể truyền qua các thiết bị. Kết nối logic cho phép dữ liệu truyền qua các thiết bị. Tín hiệu và dữ liệu được gọi chung là thông tin

    Việc kết nối về mặt vật lý được thực hiện thông qua môi trường truyền dẫn và các thiết bị mạng. Việc kết nối về mặt logic được thực hiện thông qua các giao thức mạng.

    Môi trường truyền dẫn

    Môi trường truyền dẫn (transmission media) giúp tín hiệu vật lý có thể truyền từ thiết bị này tới thiết bị khác.

    Tín hiệu vật lý sử dụng trong mạng máy tính có thể là sóng điện từ, xung điện, xung quang học. Do vậy, môi trường truyền dẫn có thể là đường truyền không dây (wireless media) – truyền sóng điện từ, các loại cáp đồng (copper cable) – truyền xung điện, cáp quang (optical fiber) – truyền tín hiệu ánh sáng.

    Môi trường truyền dẫn sẽ được học chi tiết ở chương Phần cứng mạng.

    Thiết bị mạng

    Thiết bị mạng (network device) là những máy tính chuyên dụng nằm trên đường đi của thông tin và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau: kết nối thiết bị đầu cuối với môi trường truyền, kết nối các thiết bị đầu cuối với nhau, kết nối các mạng khác nhau, bảo vệ mạng, v.v.. Mục đích chính của các thiết bị mạng là đảm bảo mở rộng mạng, bao gồm mở rộng về phạm vi, chức năng, an ninh.

    Đặc điểm phân biệt thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối là: thiết bị mạng không phải là nơi xuất phát và đích đến của thông tin người dùng; thiết bị mạng chỉ trung chuyển thông tin; thiết bị mạng, mặc dù cũng là các máy tính chuyên dụng, nhưng không cho phép cài đặt ứng dụng người dùng. 

    Các thiết bị mạng thường gặp nhất là:

    • Hub, repeater, switch, bridge: giúp kết nối các thiết bị đầu cuối thành một mạng phạm vi nhỏ (mạng cục bộ LAN – sẽ học ở phần tiếp theo).
    • Router: giúp kết nối các mạng riêng biệt với nhau thành một mạng lớn hơn.
    • Modem: giúp chuyển đổi tín hiệu từ dạng này sang dạng khác.
    • Access point: giúp kết nối các thiết bị đầu cuối vào một mạng không dùng dây dẫn.
    • Firewall: giúp bảo vệ mạng. 

    Thiết bị mạng sẽ được học chi tiết ở chương Phần cứng mạng và chương Công nghệ mạng.

    Giao thức mạng

    Giao thức mạng (network protocol) là tập hợp các quy tắc điều khiển quá trình truyền thông tin trong mạng. Với ý nghĩa này, giao thức có thể hiểu là một bản mô tả, thường tồn tại ở dạng sơ đồ và mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên.

    Tuy nhiên, trong hệ thống mạng, các giao thức thực tế được xây dựng thành những phần mềm hoạt động trên thiết bị đầu cuối hoặc thiết bị mạng. Việc xây dựng chương trình giao thức phải tuân thủ các mô tả của giao thức.

    Trong một mạng máy tính có rất nhiều giao thức cùng hoạt động. Có những giao thức hoạt động trên thiết bị đầu cuối và có thể lập trình để sử dụng. Có những giao thức hoạt động trên thiết bị mạng không thể khai thác bằng ứng dụng người dùng. Có giao thức do hệ điều hành quản lý. Có giao thức hoạt động trên phần cứng. Có những giao thức cho phép lập trình ứng dụng để khai thác nó dưới dạng dịch vụ truyền thông.

    Giao thức mạng sẽ được học chi tiết ở chương Phần mềm và giao thức mạng.

    Mô hình mạng

    Như ở trên đã trình bày, trong mạng máy tính có rất nhiều thành phần cứng và mềm cùng hoạt động. Để hệ thống hóa các thành phần này phục vụ cho nghiên cứu, học tập, phát triển các thành phần của mạng, người ta phải đưa ra các mô hình mạng.

    Mô hình mạng cho phép phân loại các thành phần của một hệ thống mạng, đưa ra vai trò và chức năng của từng nhóm thành phần, cũng như cách thức chúng tương tác với nhau. Hiện nay có hai mô hình mạng được sử dụng rộng rãi là mô hình kết nối các hệ thống mở (mô hình OSI – Open Systems Interconnection) và mô hình TCP/IP. Một số tài liệu cũng đưa ra mô hình mạng riêng, thường là biến thể của mô hình OSI.

    + Nếu bạn thấy site hữu ích, trước khi rời đi hãy giúp đỡ site bằng một hành động nhỏ để site có thể phát triển và phục vụ bạn tốt hơn.
    + Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy giúp chia sẻ tới mọi người.
    + Nếu có thắc mắc hoặc cần trao đổi thêm, mời bạn viết trong phần thảo luận cuối trang.
    Cảm ơn bạn!

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest

    4 Thảo luận
    Cũ nhất
    Mới nhất
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận
    megumin

    xong

    esc

    khét đấy nhỉ ok

    esc

    okuuu ggg

    siuuuu

    nhai hết cả đống này khó