Thiết bị mạng – hub, repeater

    0

    Bộ lặp tín hiệu repeater

    Khi tín hiệu truyền ở khoảng cách lớn có thể sẽ bị suy hao (ví dụ, do điện trở của đường truyền cáp đồng). Do đó để mở rộng mạng cần có thiết bị cho phép phục hồi tín hiệu.

    Bộ lặp tín hiệu (repeater) là thiết bị mạng LAN với 2 cổng dùng để tái tạo và khuếch đại tín hiệu nhận được từ 1 cổng và chuyển tiếp ra cổng còn lại.

    Với đặc điểm đó, repeater được sử dụng để mở rộng phạm vi truyền tín hiệu của mạng.

    Thiết bị repeater chỉ khuếch đại và chuyển tiếp tín hiệu chứ không thực hiện bất kì biến đổi nào trên dữ liệu. Khi sử dụng repeater mặc dù có thể tăng được khoảng cách truyền tín hiệu (do khôi phục được tín hiệu) nhưng không thể tăng lên quá nhiều do khi truyền tín hiệu luôn có độ trễ nhất định. Độ trễ không được tăng quá giới hạn cho phép.

    Repeater cho cáp đồng trục

    Về ưu điểm, repeater có giá rẻ, dễ lắp đặt, không làm tăng thời gian xử lý của mạng, và có thể kết nối tín hiệu của các loại cáp khác nhau.

    Về nhược điểm, repeater không thể phân biệt giữa tín hiệu thực tế và nhiễu, không thể làm giảm lưu lượng mạng hoặc tắc nghẽn, và bị giới hạn về số lượng bộ lặp có thể được triển khai.

    Repeater là loại thiết bị thường dùng trong mạng LAN sử dụng cáp đồng trục. Hiện nay loại công nghệ này không còn phổ biến. Do đó, repeater loại này cũng ít được sử dụng. Ngoài ra, hiện nay các loại bộ lặp không dây (thường gọi là wireless extender) lại được sử dụng phổ biến để mở rộng phạm vi của mạng không dây.

    Bộ tập trung tín hiệu hub

    Bộ tập trung tín hiệu (network hub) là loại thiết bị mạng LAN với nhiều cổng cho phép kết nối với nhiều thiết bị khác và làm nhiệm vụ chuyển tiếp tín hiệu giữa tất cả các thiết bị khác kết nối với nó.

    Kết nối hub trong mạng LAN

    Mỗi hub bao gồm nhiều cổng RJ45. Mỗi cổng kết nối bằng cáp xoắn tới một thiết bị đầu cuối hoặc kết nối tới hub khác. Để kết nối thiết bị đầu cuối với hub cần dùng cáp thẳng. Để kết nối hub với nhau cần dùng cáp chéo.

    Một hub nhiều cổng của NetGear

    Như vậy, hub cho phép mở rộng mạng LAN cả về phạm vi và số lượng thiết bị đầu cuối có thể tham gia.

    Kết nối các thiết bị trong LAN với hub

    Hoạt động của hub

    Hoạt động của hub có một số đặc điểm cần lưu ý:

    • Hub chuyển tiếp tín hiệu mà nó nhận được từ một cổng tới tất cả các cổng còn lại. Tùy thuộc vào loại hub, tín hiệu còn có thể được khuếch đại hoặc tái tạo. Hub không thực hiện biến đổi trên dữ liệu. 
    • Nếu một thiết bị đầu cuối gửi tín hiệu lên đường truyền tới hub, tất cả các thiết bị khác trong mạng sẽ nhận được tín hiệu. Các thiết bị đầu cuối phải chuyển đổi tín hiệu thành frame rồi so sánh với địa chỉ MAC trong đó để xem frame dữ liệu có dành cho mình hay không. Nếu frame không dành cho mình, card mạng sẽ loại bỏ frame và không xử lý tiếp. 
    • Nếu có nhiều thiết bị cùng gửi tín hiệu lên đường truyền, tín hiệu có thể bị xung đột với nhau dẫn đến làm hỏng quá trình truyền thông. Do vậy, người ta phải đưa ra một giao thức để kiểm soát truy cập đường truyền chia sẻ giữa các thiết bị gọi là CSMA/CD (Carrier-Sense Multiple Access With Collision Detection). 

    Những đặc điểm này dẫn đến có thể hình dung hub là thiết bị tương tự như repeater nhưng có nhiều cổng hơn và cho phép kết nối nhiều thiết bị đầu cuối với nhau sử dụng cáp xoắn.

    Phân loại

    Hub chia ra 3 loại:

    • Hub thụ động (Passive Hub): là loại hub hoàn toàn không thực hiện thao tác xử lý gì trên tín hiệu mà chỉ chuyển tiếp tín hiệu ra các cổng còn lại. Do vậy, khoảng cách truyền giữa một máy tính và hub không thể lớn hơn một nửa khoảng cách tối đa cho phép giữa 2 máy tính trên mạng. Loại hub này hoạt động giống hệt một ổ chia điện.
    • Hub chủ động (Active Hub): là loại hub có thể khuếch đại và tái tạo các tín hiệu điện nó nhận được trước khi chuyển tiếp. Do vậy, loại hub này có thể làm tăng khoảng cách truyền tín hiệu.
    • Hub thông minh (Intelligent Hub): cũng là Hub chủ động nhưng có thêm các chức năng hỗ trợ quản trị.

    Ưu nhược điểm

    Về ưu điểm, hub có giá thành rẻ, dễ lắp đặt, không làm tăng thời gian xử lý của mạng, có thể mở rộng mạng cả về khoảng cách và số lượng thiết bị đầu cuối.

    Về nhược điểm, tương tự như repeater, hub cũng không thể phân biệt giữa tín hiệu thực tế và nhiễu, không thể làm giảm lưu lượng mạng hoặc tắc nghẽn, và bị giới hạn về số lượng hub có thể được triển khai.

    Ứng dụng

    Trước đây hub được sử dụng rất phổ biến trong mạng LAN. Hiện nay hub không còn được sử dụng phổ biến nữa. Vai trò của nó trong LAN được thay thế bởi bộ chuyển mạch (switch).

    + Nếu bạn thấy site hữu ích, trước khi rời đi hãy giúp đỡ site bằng một hành động nhỏ để site có thể phát triển và phục vụ bạn tốt hơn.
    + Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy giúp chia sẻ tới mọi người.
    + Nếu có thắc mắc hoặc cần trao đổi thêm, mời bạn viết trong phần thảo luận cuối trang.
    Cảm ơn bạn!

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest

    0 Thảo luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận