Topology – Cấu trúc liên kết mạng

    0

    Khái niệm topology

    Cấu trúc liên kết mạng, cũng thường gọi là tô-pô mạng (topology) là sự sắp xếp hình học của các liên kết và các node trong một mạng máy tính. Cấu trúc liên kết mạng cũng có thể mô tả cách dữ liệu được truyền giữa các node trong mạng.

    Có hai loại cấu trúc liên kết mạng: cấu trúc vật lý và cấu trúc logic. Cấu trúc liên kết vật lý nhấn mạnh đến cách bố trí vật lý của các thiết bị; Cấu trúc liên kết logic tập trung vào mô hình truyền dữ liệu giữa các node mạng.

    Có bốn mô hình vật lý căn bản: tuyến tính (bus), hình tròn (ring), hình sao (star), mạng lưới (mesh).

    Cấu trúc tuyến tính – bus topology

    Mô hình mạng tuyến tính là một kiểu mô hình mạng mà ở đó các thiết bị đầu cuối kết nối và sử dụng chung một đường cáp truyền tín hiệu. Đường cáp đó có thể là cáp xoắn hoặc cáp đồng trục. Hai đầu của sợi cáp được gắn một thiết bị đặc biệt có tên tiếng anh là Terminator. Terminator có chức năng ngăn việc mất hoặc suy giảm tín hiệu tại hai đầu của sợi cáp. 

    Hoạt động

    Khi một thiết bị đầu cuối trong mạng tuyến tính muốn truyền giữ liệu, thiết bị đầu cuối đó sẽ gửi gói tin lên đường truyền tín hiệu. Gói tin đó có đính kèm địa chỉ định danh của thiết bị đầu cuối nhận thông tin. Tất cả các thiết bị đầu cuối trong mạng tuyến tính đều sẽ nhận được gói tin, tuy nhiên chỉ có thiết bị đầu cuối nào có trùng địa chỉ định danh ghi trên gói tin mới xử lý gói tin đó.  

    Mô hình mạng tuyến tính

    Ưu điểm

    • Là mô hình mạng dễ lắp đặt nhất.
    • Hoạt động hiệu quả với số lượng ít thiết bị đầu cuối
    • Số lượng cáp ít so với loại mô hình mạng khác
    • Dễ dàng kết nối hoặc ngắt kết nối một thiết bị đầu cuối mà không ảnh hưởng tới các thiết bị khác
    • Giá thành lắp đặt thấp so với các mô hình mạng khác
    • Dễ dàng mở rộng bằng cách kết nối cáp của hai mạng tuyến tính với nhau

    Nhược điểm

    • Không hoạt động tốt với mạng nhiều thiết bị đầu cuối
    • Tốc độ truyền dữ liệu chậm so khi so với các mô hình mạng khác
    • Khó khăn trong giải quyết sự cố
    • Tỉ lệ mất gói tin lớn
    • Nếu sợi cáp tuyến tính  bị hỏng hoặc đứt, mô hình mạng sẽ bị chia nhỏ
    • Cứ thêm một thiết bị đầu cuối vào mạng tuyến tính, hiệu năng hoạt động của mạng sẽ bị giảm đi.

    Cấu trúc vòng – ring topology

    Mô hình Mạng hình tròn là một kiểu mô hình mà ở đó các thiết bị đầu cuối kết nối với nhau thành một mạch tròn khép kín. Mỗi một thiết bị đầu cuối sẽ được kết nối chính xác với số lượng hai thiết bị đầu cuối liền kề. Nếu các thiết bị đầu cuối trong mạng hình tròn có số lượng lớn, các bộ lặp tín hiệu (repeater) sẽ được lắp thêm vào để đảm bảo tín hiệu trên vòng không bị suy yếu.

    Hoạt động

    Khi một thiết bị đầu cuối muốn truyền dữ liệu, thiết bị cần đợi cho đến khi nhận được thẻ bài cho phép truyền tin. Thiết bị đầu cuối sẽ gửi gói tin lên đường truyền. Mỗi một gói tin đều có địa chỉ định danh của thiết bị đầu cuối nhận tin. Gói tin sẽ được các thiết bị đầu cuối khác chuyển tiếp trong mạng theo một chiều nhất định (đã được quy định trước) cho đến khi gói tin đến được thiết bị đầu cuối có trùng địa chỉ định danh trên gói tin. Khi ấy gói tin sẽ được thiết bị đầu cuối xử lý.

    Mô hình mạng hình tròn

    Ưu điểm

    • Giảm xung đột khi truyền tin do các gói tin được chuyển đi theo một chiều nhất định
    • Khi một thiết bị đầu cuối được thêm vào mạng, hầu như sẽ không ảnh hưởng gì đến hiệu năng hoạt động của hệ thống mạng
    • Có giá thành lắp đặt, mở rộng vừa phải
    • Tốc độ truyền dữ liệu tốt
    • Tất cả các thiết bị đầu cuối đều có quyền ngang hàng trong việc truyền dữ liệu (dựa vào việc chuyển thẻ qua các thiết bị đầu cuối).

    Nhược điểm

    • Thiết bị đầu cuối cần nhận được thẻ bài để truyền tin
    • Nếu một thiết bị đầu cuối bị hỏng/bị ngắt nguồn/bị tê liệt sẽ làm toàn bộ hệ thống mạng bị tê liệt
    • Tốc độ truyền dữ liệu chậm hơn mạng tuyến tính
    • Khó khăn khi thêm bớt một thiết bị đầu cuối vào mạng, việc thêm thiết bị này có thể ảnh hưởng tới sự hoạt động của toàn mạng
    • Khó giải quyết sự cố
    • Khó mở rộng

    Cấu trúc hình sao – star topology

    Mô hình Mạng hình sao là mô hình mà ở đó các thiết bị đầu cuối được lần lượt kết nối với một thiết bị trung tâm. Thiết bị trung tâm này có thể là Hub hoặc Switch. 

    Hoạt động: Khi một máy có nhu cầu truyền dữ liệu, gói tin sẽ được truyền cho thiết bị trung tâm. Mỗi gói tin đều có định danh của thiết bị đầu cuối nhận tin. Thiết bị trung tâm sẽ chịu trách nhiệm chuyển tiếp gói tin đến thiết bị đầu cuối nhận tin. Ở đó, gói tin sẽ được xử lý. 

    Mô hình mạng hình sao

    Ưu điểm

    • Có độ tin cậy cao, nếu một dây mạng hoặc một thiết bị đầu cuối bị lỗi, không ảnh hưởng gì tới các thiết bị đầu cuối còn lại
    • Có hiệu năng hoạt động cao, không xảy ra xung đột nếu thiết bị trung tầm là Switch
    • Giá thành lắp đặt không cao
    • Dễ dàng lắp đặt 
    • Khi thêm thiết bị đầu cuối hoặc mở rộng mạng sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị đầu cuối và mạng hiện tại
    • Dễ dàng xử lý sự cố

    Nhược điểm

    • Sử dụng nhiều cáp hơn mạng tuyến tính và mạng hình tròn
    • Phụ thuộc vào thiết bị mạng trung tâm. Nếu thiết bị mạng trung tâm bị hỏng, toàn bộ hệ thống mạng sẽ không sử dụng được
    • Chi phí lắp đặt cao hơn mạng tuyến tính và mạng hình tròn, trong đó có chi phí không nhỏ cho thiết bị trung tâm
    • Cần chi phí vận hành cho thiết bị trung tâm

    Các mạng hình sao có thể tiếp tục ghép nối với nhau để tạo thành một hình sao mở rộng.

    Cấu trúc lưới – mesh topology

    Mô hình Mạng hình lưới là một loại mô hình mà ở đó các thiết bị đầu cuối kết nối với nhau từng đôi một thông qua môi trường truyền dẫn. Các thiết bị đầu cuối không những đóng vai trò là thiết bị gửi nhận thông tin mà còn đóng vai trò là thiết bị tiếp sức cho gói tin của thiết bị đầu cuối khác.

    Hoạt động

    Khi một thiết bị đầu cuối có nhu cầu truyền dữ liệu, nó sẽ truyền trực tiếp dữ liệu trực tiếp dưới dạng gói tin cho thiết bị đầu cuối nhận thông qua môi trường truyền dẫn giữa hai thiết bị.

    Mô hình mạng hình lưới

    Ưu điểm

    • Một thiết bị đầu cuối hỏng/lỗi không ảnh hưởng tới hệ thống mạng
    • Không có vấn đề về việc tranh chấp băng thông do các thiết bị đầu cuối được kết nối với nhau theo cặp
    • Rất dễ để xử lý sự cố
    • Khó mất gói tin
    • Tính bảo mật và tính riêng tư cao
    • Thêm bớt thiết bị đầu cuối không ảnh hưởng tới hệ thống mạng
    • Hoạt động hiệu quả với mọi tình thế phát sinh trong quá trình sử dụng 

    Nhược điểm

    • Giá thành lắp đặt cao nhất so với các loại mô hình mạng trên
    • Cài đặt phức tạp
    • Tiêu hao nhiều năng lượng hơn do các thiết bị đầu cuối đều đảm trách tiếp sức cho các gói tin được truyền đi trong mạng
    • Phức tạp trong vận hành, giá thành bảo trì cao

    Kết hợp của nhiều hơn một mô hình mạng trên tạo ra mô hình mạng kết hợp

    + Nếu bạn thấy site hữu ích, trước khi rời đi hãy giúp đỡ site bằng một hành động nhỏ để site có thể phát triển và phục vụ bạn tốt hơn.
    + Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy giúp chia sẻ tới mọi người.
    + Nếu có thắc mắc hoặc cần trao đổi thêm, mời bạn viết trong phần thảo luận cuối trang.
    Cảm ơn bạn!

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest

    0 Thảo luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận