Có gì trong các chương trình đào tạo công nghệ thông tin?

0
Chương trình đào tạo công nghệ thông tin

Nếu bạn là một sinh viên đại học hẳn các bạn đã nhiều lần nghe thấy cụm từ “chương trình đào tạo”. Nếu bạn còn đang là học sinh và đang có ý định vào đại học, cái các bạn sẽ phải lựa chọn khi đăng ký nguyện vọng là “ngành đào tạo”.

Ngành đào tạo sẽ quyết định hướng công việc (nói chung) của bạn trong tương lai. Chương trình đào tạo là một bộ phận của ngành đào tạo giúp bạn đạt được mục tiêu mà ngành đó đề ra.

Trong bài viết hôm nay chúng ta nói về một chủ đề khác rộng hơn: một góc nhìn chung về chương trình đào tạo công nghệ thông tin. Đây cũng là một trong loạt bài về định hướng chuyên môn cho sinh viên/học sinh.

Bài viết này hướng tới các bạn đang chuẩn bị vào đại học hoặc đang là sinh viên các năm đầu theo các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các bạn có một cái nhìn về những gì bạn có thể gặp trong quá trình học tập. Chúng tôi cũng mong muốn qua đây các bạn có thể đưa ra quyết định của riêng mình về việc học gì và học như thế nào.

Các ngành đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Xã hội nói chung, học sinh đang dự định thi đại học, sinh viên năm 1-2 ở các trường thường hiểu nhầm rằng, học công nghệ thông tin là học tất cả những gì liên quan đến máy tính. Điều này chỉ đúng một phần (nhỏ).

Công nghệ thông tin là một lĩnh vực rất rộng với nhiều hướng chuyên sâu. Hiện nay các trường đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin đa phần có chung một số ngành:

  1. kỹ thuật phần mềm,
  2. mạng máy tính và truyền thông dữ liệu,
  3. khoa học máy tính,
  4. hệ thống thông tin,
  5. an toàn hệ thống thông tin.

Có trường thậm chí còn có ngành mang tên “Công nghệ thông tin” nói chung.

Mỗi ngành có tên và mã ngành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi ngành này lại tiếp tục được chia nhỏ thành nhiều chuyên ngành sâu hơn theo cách riêng của từng trường. Ví dụ, ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu lại có trường lại tiếp tục chia nhỏ thành các hướng/chuyên ngành như quản trị mạng, quản trị hệ thống, an ninh mạng.

Như vậy, không ai có thể nắm bắt được tất cả các hướng, tất cả các chuyên ngành, mà chỉ có thể lựa chọn chuyên sâu về một mảng nhỏ trong một hướng mà thôi.

Với cơ chế tuyển sinh như hiện nay, học sinh khi đăng ký xét tuyển sẽ phải lựa chọn ngành đào tạo ngay từ đầu. Đến một giai đoạn nhất định sẽ phải tiếp tục lựa chọn chuyên ngành. Thậm chí, khi lựa chọn chuyên ngành rồi vẫn còn tiếp tục phải lựa chọn một nhánh mũi nhọn của riêng mình.

Chương trình đào tạo đại học

Ở trường đại học, chương trình đào tạo đóng vai trò xương sống của mỗi ngành đào tạo. Nó tạo ra một cái khung xuyên suốt 4-5 năm học để định hình mỗi sinh viên theo đúng ý tưởng/triết lý/mục tiêu của mỗi trường.

Mỗi một ngành đào tạo phải có một chương trình đào tạo riêng. Chương trình do các trường tự xây dựng và phê duyệt nhưng phải tuân thủ một số yêu cầu chung của Bộ.

Mỗi chương trình về cơ bản đều phải bao gồm một bộ chuẩn đầu ra, chương trình khung (danh sách và phân phối thời gian các học phần), mô tả nội dung chi tiết các học phần (đề cương).

Mỗi chương trình đào tạo đại học đều được xây dựng theo một quy trình nào đó và tương đối phức tạp. Ví dụ, (1) quy trình xây dựng chương trình đào tạo trình độ từ đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo bao gồm 8 bước, (2) quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn AUN bao gồm 10 bước.

Tùy thuộc vào từng trường, chương trình đào tạo của một ngành với cùng một mã ngành (do Bộ quy định) có thể rất khác biệt nhau. Tuy nhiên chúng thường bám theo một cấu trúc chung.

Các chương trình đào tạo thông thường đều chia thành các giai đoạn: cơ bản + cơ sở; cơ sở ngành; chuyên ngành.

Giai đoạn cơ bản + cơ sở

Đây là giai đoạn nản nhất của sinh viên, kéo dài 1-2 năm tùy trường. Sinh viên phải học các môn cơ bản (toán, lý), ngoại ngữ, chính trị (bắt buộc theo yêu cầu của bộ).

Một số môn cơ sở của công nghệ thông tin cũng được xếp xen kẽ, thường gặp ở các chương trình là: Nhập môn lập trình, cấu trúc dữ liệu và thuật toán, lập trình hướng đối tượng, kiến trúc máy tính, nguyên lý các hệ điều hành, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu.

Giai đoạn này thường là học chung, chưa có sự phân hóa giữa các ngành. Kể cả giữa các trường, khối kiến thức này khá tương đồng.

Giai đoạn cơ sở ngành

Tùy từng trường, có thể kéo dài từ 1 kỳ đến 1 năm. Giai đoạn này bắt đầu phân hóa giữa các ngành. Mỗi ngành có các học phần riêng, làm cơ sở cho các chuyên ngành về sau. Các học phần ở giai đoạn này phục vụ cho từng ngành đào tạo cụ thể.

Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng vì nó giúp sinh viên đưa ra định hướng chuyên môn của mình.

Giai đoạn chuyên ngành

Toàn bộ thời gian còn lại thuộc về giai đoạn này. Tùy từng trường có thể có những cách tổ chức khác nhau.

Ví dụ, có trường tổ chức dưới dạng các chuyên ngành sâu cho sinh viên lựa chọn. Có trường tổ chức thành giai đoạn bắt buộc và giai đoạn tự chọn định hướng. Có trường đi theo xu hướng cũ hầu như là bắt buộc sinh viên chỉ đi theo một hướng.

Đây là giai đoạn sinh viên phải lựa chọn và quyết định những gì mình cần và tự học – tự đào tạo bản thân.

Tự xây dựng kế hoạch học tập riêng

Các vấn đề của chương trình đào tạo chính quy

Sinh viên không thể hoàn toàn trông chờ vào chương trình đào tạo vì nó có nhiều vấn đề.

Mỗi chương trình đào tạo thường có rất nhiều mục tiêu. Trong đó có những mục tiêu không liên quan đến chuyên môn. Xin không bình luận thêm về vấn đề này.

Chương trình đào tạo luôn đi sau sự thay đổi của công nghệ. Quy trình xây dựng và cập nhật của chương trình đào tạo thường khá mất thời gian. Thêm vào đó, chu kỳ của mỗi chương trình là 4-5 năm (bằng thời gian đào tạo 1 khóa sinh viên). Các nội dung phải xác định từ trước một vài năm. Do vậy, chương trình luôn đi chậm hơn sự thay đổi thực tế của công nghệ.

Để giải quyết vấn đề này, chương trình thường chỉ chứa những nội dung cơ bản, mức độ biến đổi ít. Các vấn đề công nghệ mới sinh viên sẽ phải tự học.

Chương trình đào tạo không thể cá nhân hóa theo năng lực và nguyện vọng của sinh viên cũng như nhu cầu của đơn vị tuyển dụng. Một chương trình đào tạo bắt buộc phải cover được một phạm vi rộng để tăng cơ hội cho sinh viên. Nhưng đồng thời, nó lại làm giảm đi độ chuyên sâu và mức cá nhân hóa theo nhu cầu và năng lực của sinh viên, cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Để giải quyết vấn đề này, sinh viên công nghệ thông tin phải biết tự định hướng chuyên môn sâu. Từ đó tự xây dựng một kế hoạch học tập của riêng mình để bù đắp lại những hạn chế của chương trình đào tạo.

Vấn đề tự học

Xin khẳng định ngay từ đầu, học công nghệ thông tin là phải tự học. Thế giới công nghệ biến đổi rất nhanh. Không tự học liên tục thì sẽ tụt hậu. Cũng không có ai dạy bạn những thứ mới. Khi bạn đi làm cũng không ai dạy bạn. Tất cả phải dựa vào tự học.

Các nội dung trong giáo trình thường cũ hơn so với thực tế. Giáo trình thiên về trình bày những vấn đề cơ bản, tập trung vào tính bài bản và hệ thống. Chỉ dùng kiến thức trong giáo trình thì không đi làm được.

Tuy nhiên, muốn tự học được thì phải có nền tảng căn bản. Không có nền tảng thì đừng nói gì đến tự học. Mở tài liệu ra đọc mà không có căn bản thì chả khác gì nhìn vào mớ chữ Hán chữ Hàn.

Thứ hai là phải biết ngoại ngữ. Những công nghệ mới documentation bằng tiếng Anh hết. Không đọc được trực tiếp mà phải chờ người dịch ra thì chắc nó cũng cũ mất rồi. Thêm vào đó, chả ai đi dịch tài liệu chuyên sâu cho mà đọc đâu.

Học cái gì?

Trước hết đó là những nội dung nền tảng của công nghệ thông tin: lập trình cơ bản, cấu trúc dữ liệu và thuật toán, lập trình hướng đối tượng, kiến trúc máy tính, nguyên lý các hệ điều hành, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu.

Không phải ngẫu nhiên mà nhóm kiến thức này có mặt trong hầu hết các chương trình của các trường. Đây là những gì cơ bản nhất mà sinh viên công nghệ phải biết.

Dĩ nhiên, đừng vội nghĩ đến việc vận dụng các kiến thức này trong thực tế. Chưa đủ đâu. Đối với nhóm này, cái bạn cần nắm bắt là cách tư duy và phương pháp, không phải là kỹ thuật cụ thể. Ví dụ, bạn cần hiểu tư tưởng của lập trình hướng đối tượng hơn là kỹ thuật cụ thể trên C++; bạn cần nắm được phương pháp thiết kế cơ sở dữ liệu hơn là ngôn ngữ SQL và kỹ thuật cụ thể trên MySQL.

Khi bắt đầu cơ sở ngành, phải có trong tay một công cụ lập trình. Đó có thể là C/C++, C#, Java, PHP, v.v., tùy vào từng ngành/chuyên ngành. Công cụ này phải ở mức thành thạo để cài đặt được các thuật toán và làm các project của môn học. Công cụ lập trình là không thể thiếu, dù bạn theo ngành chuyên sâu nào.

Nếu có đủ những thứ này trong tay, việc chọn và đi hướng nào ở giai đoạn chuyên ngành sẽ đơn giản hơn nhiều.

Vài lời khuyên

Bài viết này đưa ra cho các bạn một vài góc nhìn về đào tạo công nghệ thông tin nói chung mà chúng tôi đã kinh nghiệm qua.

Trước hết đừng có mơ mộng kỹ sư công nghệ thông tin sẽ có những màn thể hiện màu mè, hoành tráng, choáng ngợp như trong phim Hollywood. Nghề nghiệp này nhiều áp lực, từ deadline đến học thêm và nâng cao tay nghề. Việc học thành kỹ sư cũng chẳng có gì hấp dẫn sinh động lắm đâu.

Thứ hai, hãy tự rèn cho mình khả năng tự đọc tài liệu tiếng Anh. Như trên đã nói rồi, không có tiếng Anh thì sẽ rất vất vả để tự học.

Thứ ba, hãy rèn cho mình khả năng tự học. Việc tự học công nghệ thông tin hiện nay rất thuận lợi. Hàng triệu tài liệu trên Internet đang chờ bạn. Chỉ cần chịu khó, bạn có hầu như tất cả điều kiện để tự học.

Thứ tư, hãy xác định những gì cần học. Không phải tất cả mọi thứ trong chương trình của trường đại học đều hữu ích với bạn. Có những thứ bạn cần nhưng chương trình sẽ không cung cấp. Do đó, hãy thông qua những người có kinh nghiệm để xây dựng cho mình một lộ trình phù hợp.

Các nhận định trên không nhất thiết phải đúng hết với tất cả các trường hợp. Nó là đúc kết của chúng tôi qua phần lớn sinh viên chúng tôi tiếp xúc.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn các bạn nên ghi nhớ “học công nghệ thông tin là tự học”.

Chúc các bạn thành công!

+ Nếu bạn thấy site hữu ích, trước khi rời đi hãy giúp đỡ site bằng một hành động nhỏ để site có thể phát triển và phục vụ bạn tốt hơn.
+ Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy giúp chia sẻ tới mọi người.
+ Nếu có thắc mắc hoặc cần trao đổi thêm, mời bạn viết trong phần thảo luận cuối trang.
Cảm ơn bạn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Thảo luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận